PHẪU THUẬT CẤP CỨU THÀNH CÔNG XOẮN RUỘT DO RUỘT XOAY BẤT TOÀN Ở TRẺ SƠ SINH TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI TỈNH  KIÊN GIANG

PHẪU THUẬT CẤP CỨU THÀNH CÔNG XOẮN RUỘT DO RUỘT XOAY BẤT TOÀN Ở TRẺ SƠ SINH TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI TỈNH KIÊN GIANG

Vừa qua Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận bệnh nhi CB Nguyễn T T, nam, 6 ngày tuổi. Người nhà bé cho biết cách nhập viện 1 ngày bé nôn ói nhiều lần ra sữa và dịch màu vàng, cùng ngày nhập viện bé bỏ bú, nôn ói nhiều lần hơn, ra dịch nâu đỏ, đi phân đen lỏng. Bé vào viện trong tình trạng nặng, đe doạ đến tính mạng, bé đừ, tiêu máu, bụng chướng vùng trên rốn.

Sau khi có kết quả Xquang và siêu âm bụng, bé được bác sĩ Ngoại Tổng Hợp Nhi chẩn đoán là xoắn ruột, theo dõi ruột xoay bất toàn và được chỉ định phẫu thuật khẩn sau khi chẩn đoán.

        

                  Hình 1                                                           Hình 2

Hình ảnh siêu âm và Xquang của bé

Trong lúc phẫu thuật ghi nhận, dây chằng ladd từ đại tràng tạo thành băng dính ngang qua tá tràng đến thành bụng bên, ruột xoắn 02 vòng từ chân mạc treo, ruột xoay ngược chiều kim đồng hồ gây tắc ruột hoàn toàn, manh tràng và ruột thừa nằm phía bên trái ổ bụng. Sau đó tiến hành tháo xoắn, đưa ruột về thế mạc treo chung. Mở rộng chân mạc treo phòng ngừa xoắn tái phát.

Hình ảnh Xoắn ruột trong lúc phẫu thuật

Sau mổ bé được hồi sức và chăm sóc rất tích cực từ các nhân viên y tế, nên sau phẫu thuật 7 ngày lâm sàng bé cải thiện tốt, đã được bú sữa mẹ. Bé được xuất viện sau 2 tuần điều trị trong niềm vui, hạnh phúc của người nhà và nhân viên y tế Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Kiên Giang. 

Theo các bác sĩ khoa Ngoại Tổng Hợp Nhi cho biết “Ruột xoay bất toàn là bất thường trong xoay và cố định ruột gặp ở khoảng 15/1.000.000 trẻ dưới 1 tuổi và khoảng 10/1.000.000 trẻ từ 1-2 tuổi. Thường gặp nhiều hơn ở trẻ nam. Do gốc tá-hỗng tràng nằm bên phải cột sống. Mang tràng nằm giữa bụng và được cố định bởi dây chằng ladd dính vào túi mật, tá tràng và thành bụng sau. Chân mạc treo lúc này hẹp, có nguy cơ xoắn ruột. Dấu hiệu lâm sàng để nhận biết xoắn ruột là bé đột ngột nôn ói dịch mật nhưng trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh, đau bụng từng cơn dữ dội, chướng bụng vùng trên, tiêu máu. Nếu kéo dài trẻ có thể bị sốc, suy đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong. Ruột xoay bất toàn thường đi kèm với các dị tật gồm teo tá tràng, teo hỗng tràng và các dị dạng hâu môn trực tràng”

Do đó, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên, người nhà nên đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở chuyên khoa, để được bác sĩ khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh để các tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Ảnh & bài viết sưu tầm: khoa Ngoại TH Nhi


Tin liên quan