Khi các mẹ mang thai, hệ thống miễn dịch sẽ bị suy giảm khiến cho cơ thể dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn, virus gây bệnh, và có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi sau này. Do đó, tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất để bảo vệ các mẹ cũng như những thiên thần nhỏ của chúng ta.
Các mũi vaccine quan trọng mà các mẹ cần tiêm như
Sởi, quai bị và Rubella: Cả ba đều là bệnh truyền nhiễm dễ lây qua đường hô hấp. Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ mắc phải thì thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị tật, suy dinh dưỡng, sinh non, thậm chí là chết lưu.
Viêm gan B: Là bệnh có tỷ lệ lây từ mẹ sang con cao. Nếu mẹ nhiễm trong 3 tháng giữa thai kỳ thì tỉ lệ lây cho trẻ là 10-20%, 3 tháng cuối thai kỳ là 90%. Bệnh gây ảnh hưởng đến gan dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Do đó, các mẹ cần tiêm càng sớm càng tốt.
Cúm: Là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp lây truyền bởi virus cúm. Các mẹ khi mang thai nhiễm cúm làm tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai và khiến thai nhi bị các dị tật như hở hàm ếch, sứt môi.
Thủy đậu: Có rất ít các mẹ mắc thủy đậu trong quá trình mang thai nhưng thủy đậu cũng nguy hiểm không kém viêm gan B hay cúm. Nó cũng gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như gây dị tật hình thể, liệt chân tay và có thể lây truyền cho con khi sanh.
Bạch hầu, ho gà, uốn ván: Hiện nay đã có loại vaccine phối hợp giúp các mẹ phòng được cả ba bệnh chỉ với một lần tiêm duy nhất.
Human papillomavirus (HPV): HPV là một loại virus gây u nhú ở người. Theo thống kê, 95% bệnh nhân ung thư cổ tử cung được phát hiện đều do loại virus này gây ra. Vậy nên vaccine ngừa HPV được khuyến cáo tiêm phòng cho phụ nữ không mang thai từ 9 – 26 tuổi.
Lưu ý: Mỗi loại vaccine đều có thời điểm và số lượng mũi tiêm riêng. Do đó, các mẹ hãy đi khám tiền hôn nhân và tham khảo thêm ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ để tiến hành tiêm phòng một cách đầy đủ nhất.