Adenovirus - Ba mẹ nắm rõ, con khỏe khỏi lo
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến ngày 12/9, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhi tử vong có nhiễm Adenovirus. Hiện con số này vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao.
Virus Adeno thuộc họ Adenoviridae được phát hiện lần đầu vào năm 1953 và chia thành 2 nhóm chính: Nhóm gây bệnh ở chim (Avi Adenovirus) và nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus). Trong nhóm gây bệnh ở động vật có vú (bao gồm cả người), các chuyên gia phân lập được 47 loại virus adeno.
Loại virus này có thể tồn tại và duy trì khả năng lây nhiễm được khá lâu, ở 37oC có thể tồn tại trong vòng 30 ngày, 22oC sống được 15 ngày, 4oC có thể sống trong nhiều tháng, -200°C tồn tại được nhiều năm. Tuy nhiên, virus bị tiêu diệt bởi tia cực tím hoặc ở môi trường nước sôi (100°C) và bị mất độc lực nhanh, chết ở 56°C trong 3 - 5 phút.
Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và lứa tuổi (trẻ em từ 6 tháng – 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém. Đặc biệt, bệnh thường lây nhiễm nhiều nhất ở những phòng khám mắt.
Virus Adeno có thể lây truyền qua các con đường:
Đường giọt bắn hoặc hô hấp giữa người với người đã nhiễm bệnh.
Bể bơi bị nhiễm Virus Adeno
Lây qua niêm mạc hoặc dùng chung nguồn nước rửa bị nhiễm dịch tiết (từ mắt, mũi, phân) của bệnh nhân nhiễm Adenovirus.
Tiếp xúc gián tiếp với những vật dụng cá nhân của bệnh nhân bị nhiễm Virus Adeno (do thời gian ủ bệnh từ 8-12 ngày).
Khi bị nhiễm Virus Adeno, trẻ sẽ có triệu chứng như:
Sốt cao, rét run
Ho, đau họng, thở khò khè
Cảm, sổ mũi, viêm đường hô hấp
Viêm phế quản, viêm phổi cấp (thở khò khè, khó thở)
Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Viêm dạ dày ruột cấp (tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa…)
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có loại thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa chủng virus này. Do đó, trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, bệnh viện chia sẻ một số bí quyết giúp các ba mẹ chủ động hơn trong việc bảo vệ các con trẻ:
Đảm bảo nguồn cung nước sạch dùng cho sinh hoạt.
Giữ vệ sinh môi trường xung quanh trẻ.
Không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải,...).
Nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng.
Tránh dùng tay dơ chạm lên mắt, mũi, miệng.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang ốm.
Khi trẻ không khỏe, ba mẹ cần theo dõi sát các dấu hiệu của trẻ. Nếu thấy trẻ có biểu hiện chuyển nặng như thở rút lõm ngực, rối loạn tri giác, lừ đừ… thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi gần nhất để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách, kịp thời.