Sốt xuất huyết được liệt kê trong danh sách những bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Cụ thể, bệnh có thể gây ra các biến chứng như xuất huyết não, suy tim, suy thận, tràn dịch màng phổi, sốc do mất máu,...dễ dẫn đến tử vong.
Do đó, khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu của sốt xuất huyết, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và chẩn đoán. Sau đó, trẻ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà nên ba mẹ cần lưu ý những chỉ dẫn sau để trẻ được hồi phục một cách nhanh nhất:
Ngoài việc uống thuốc, ba mẹ có thể nới lỏng quần áo, lau mát khi trẻ sốt.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước và nước trái cây để bổ sung chất điện giải cho bé.
Tránh các thực phẩm có màu sẫm để tránh nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Chia làm nhiều bữa nhỏ, chọn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu.
Hạn chế vận động, nghỉ ngơi nhiều.
Tuy nhiên, nếu phát hiện các triệu chứng như nôn ói liên tục, đau bụng, trẻ lừ đừ, da xung huyết nhưng tứ chi lạnh thì ba mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra lại.
Cách phòng chống tốt nhất là triệt đường sinh sản của muỗi bằng cách:
Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không có nơi sinh sản hoặc có thể thả cá vào những nơi có dung tích nước lớn (bể, giếng, chum, vại,...) để tiêu diệt lăng quăng.
Thu gom các vật dụng phế thải như chai lọ, mảnh vỡ,...hoặc những vật có khả năng đọng nước.
Thêm muối hoặc dầu vào những bát nước kê chân tủ đựng chén.
Cho trẻ mặc quần áo dài tay kể cả khi ngủ và ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm (kể cả ban ngày).
Sử dụng bình xịt, nhang muỗi, vợt điện hoặc kem chống muỗi để bảo vệ trẻ khỏi muỗi cắn.
Ba mẹ nên chủ động thực hiện những phương pháp trên để bảo vệ bản thân và con trẻ để phòng chống sốt xuất huyết một cách hiệu quả nhất.