Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích mẹ nên cho bé bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, không sử dụng sữa công thức, nước trái cây hoặc nước lọc. Có thể bạn chưa biết những lợi ích “vàng” của sữa mẹ:
• Những ngày đầu tiên sau khi sinh, bầu vú mẹ sẽ tiết ra sữa non. Sữa non có nhiều lợi ích: nhiều đạm và giàu các vi chất có lợi, giúp hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé phát triển.
• Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại được virus và vi khuẩn có hại, điều này rất quan trọng trong những tháng đầu hệ miễn dịch bé còn non nớt, chưa hoàn thiện.
• Nghiên cứu cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ có thể chống lại các bệnh cấp tính ở đường hô hấp và đường tiêu hóa.
• Việc cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có liên quan mật thiết với giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột, ít nguy cơ mắc bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
• Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời có thể giảm nguy cơ bị cảm lạnh nghiêm trọng hoặc các bệnh nhiễm trùng tai, họng.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Mẹ phải làm gì khi bị tắc tia sữa?
Đối với những trường hợp tắc tia sữa nhẹ và không quá nghiêm trọng, mẹ có thể áp dụng những cách thông tắc tia sữa sau:
Cho bé bú thường xuyên: Để thông tắc sữa mẹ nên cho bé bú trực tiếp và thường xuyên. Nếu bầu vú không quá đau, mẹ nên cho bé bú ở ngực bị tắc tia sữa trước bởi lúc này bé sẽ dùng lực mạnh nhất để hút sữa mẹ, nhờ đó sẽ giúp khai thông được các tia sữa bị tắc.
Thay đổi tư thế cho bé bú: Khi cho bé bú, mẹ nên đổi các tư thế khác nhau bởi ở mỗi tư thế dưới lực bú mút bé sẽ tác động đến các tia sữa khác nhau. Càng đổi nhiều tư thế sẽ tạo ra nhiều lực hút thông tia sữa.
Chườm nóng bầu ngực: Mẹ có thể sử dụng khăn bông mềm thấm nước ấm đắp lên ngực, hoặc dùng chai thủy tinh chứa nước ấm lăn qua lăn lại trên bầu ngực để thông tia sữa, giúp sữa chảy đều đặn hơn. Lưu ý không sử dụng nước quá nóng để tránh việc bỏng rát.
Nếu sau khi áp dụng đủ các cách làm thông tắc tia sữa nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời