4 cột mốc siêu âm quan trọng cho mẹ bầu
Siêu âm là một trong những phương pháp phổ biến nhất để theo dõi sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Và đây được xem là cách hiệu quả và đơn giản để phát hiện các dị tật thai nhi từ những ngày đầu thai kỳ.
Các mẹ bầu được khuyến cáo khám thai định kỳ giúp theo dõi sức khỏe cho mẹ và bé, đồng thời xử lý, can thiệp kịp thời nếu có các dấu hiệu bất thường. Dưới đây là tổng hợp các cột mốc siêu âm cơ bản mà mẹ cần lưu ý nhé!
Tuần thứ 4 - 6: Lần đầu gặp gỡ
Lần siêu âm đầu tiên được xem là mốc siêu âm cơ bản của thai kỳ và đặc biệt quan trọng. Bác sĩ sẽ chẩn đoán mẹ có thai hay không, thai đã vào tử cung chưa, thai được bao nhiêu tuần và xác định chính xác tuổi thai - cơ sở cho việc theo dõi sự phát triển của thai nhi ở các mốc khám tiếp theo. Nếu chưa thấy rõ phôi thai hay tim thì mẹ cần siêu âm lại lần nữa vào tuần thứ 8.
Tuần thứ 11 - 13: Kiểm tra dị tật thai nhi
Vào giai đoạn này, do các dị tật đã biểu hiện ra bên ngoài cơ thể thai nhi nên mẹ sẽ được chỉ định siêu âm kết hợp xét nghiệm Double test, máu và nước tiểu để tầm soát các nguy cơ phát triển hội chứng như Down, Edward,...hay các nguy cơ tiềm ẩn như thiếu máu, sắt, tiểu đường thai kỳ,...
Tuần thứ 20 - 24: Theo dõi sự phát triển của con
Đây được xem là cột mốc “vàng” để siêu âm đánh giá sự phát triển của thai nhi qua việc đánh giá giải phẫu của thai nhi như não, tim, phổi,.. và các chỉ số như vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi, cân nặng,...Một số mẹ thường kết hợp làm Triple test để sàng lọc dị tật thai nhi thêm lần nữa.
Tuần thứ 30 - 32: Chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ
Khi siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra ngôi thai của bé và tử cung của mẹ để phát hiện các dấu hiệu sinh non nếu có. Khám thai ở giai đoạn này giúp bố mẹ chủ động hơn trong công tác chuẩn bị cho lần vượt cạn sắp tới cũng như ngày đón con chào đời: chọn phương pháp sanh, ngày giờ dự sanh, cách chăm sóc bé sau sinh,...
Nắm bắt được những cột mốc khám thai cơ bản giúp mẹ bầu và gia đình chủ động hơn trong việc thăm khám, theo dõi tình trạng sức khỏe của hai mẹ con trong suốt thai kỳ, đồng thời có phương án can thiệp kịp thời đối với những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.
Lưu ngay vào điện thoại để nhớ thời gian khám thai định kỳ mẹ nhé!