Sốt xuất huyết ở trẻ em là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có nguồn lây từ muỗi vằn. Cụ thể muỗi vằn sẽ mang virus từ một người mắc bệnh và truyền sang cho người khác. Do đó, sốt xuất huyết có tốc độ lây lan rất nhanh và dễ bùng phát thành dịch lớn.
Sốt xuất huyết lây qua các con đường lây bệnh phổ biến như:
Lây từ muỗi sang người: Muỗi mang mầm bệnh và thông qua việc cắn sẽ truyền virus gây bệnh sang cho người khỏe mạnh.
Lây từ người sang muỗi: Muỗi cắn những người mang mầm bệnh làm muỗi nhiễm bệnh. Sau đó, muỗi sẽ tiếp tục lây sang cho người khác.
Lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung kim tiêm: Con đường này thường ít xảy ra nhưng không loại trừ khả năng một người khỏe mạnh bị lây nhiễm virus thông qua việc nhận máu hoặc dùng chung kim tiêm với người mắc bệnh.
Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em chia làm 4 giai đoạn phát triển
Giai đoạn 1: Ủ bệnh
Thường kéo dài từ 4-7 ngày. Trong thời gian này, virus sẽ nhân số lượng lên dần dần và khi đạt đủ số lượng sẽ biểu hiện triệu chứng bệnh ra bên ngoài.
Giai đoạn 2: Sốt
Ban đầu, ba mẹ có thể sẽ khó phân biệt với các bệnh sốt khác. Các cơn sốt cao đột ngột khoảng 39 - 40 độ xuất hiện liên tục trong 1-2 ngày. Trẻ sẽ quấy khóc, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, có thể xuất hiện những chấm huyết dưới da, đau cơ khớp, chảy máu chân răng, chảy máu cam.
Giai đoạn 3: Nguy hiểm
Thường 3 - 7 ngày sau khi mắc phải sốt xuất huyết. Các biểu hiện của trẻ có thể sẽ thuyên giảm nhưng vẫn sẽ còn sốt và bị thoát huyết tương dẫn đến bụng bị chướng to. Tình trạng này kéo dài trong 24 - 48 tiếng và trở nặng sẽ có nguy cơ dẫn tới tử vong.
Giai đoạn 4: Phục hồi
Nếu được chăm sóc và điều trị phù hợp thì sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 - 72 giờ trẻ hết sốt, nhịp tim và huyết áp ổn định hơn, tình trạng sức khỏe được cải thiện, thèm ăn và tiểu nhiều hơn.
Sốt xuất huyết luôn là mối nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe của trẻ. Do đó, ba mẹ hãy chủ động theo dõi, quan sát biểu hiện của trẻ nhằm phát hiện kịp thời tình trạng bệnh để chữa trị.