Hiện nay, bệnh đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) đang được cộng đồng quan tâm, vì những biến cố nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Theo thống kê tại Việt Nam tỷ lệ thai phụ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam xấp xỉ 20%. Vì vậy mẹ bầu cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng tránh bệnh đái tháo đường thai kỳ.
1/ Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Bệnh đái tháo đường thai kỳ hay tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu ở thai phụ cao hơn mức cho phép, xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai thứ 24 – 28. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.
2/ Các thai phụ có yếu tố nguy cơ sau đây dễ mắc ĐTĐTK
- Thai phụ sinh con khi lớn tuổi.
- Thai phụ sinh nhiều con.
- Thai phụ thừa cân.
- Tiền căn gia đình có đái tháo đường.
- Tiền căn sản khoa: thai lưu, sinh con to.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Yếu tố chủng tộc: Châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc ĐTĐTK cao.
3/ Hậu quả của đái tháo đường thai kỳ
- Đối với thai phụ:
Thai phụ mắc ĐTĐTK có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai. Về lâu dài, thai phụ mắc ĐTĐTK tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là các biến chứng tim mạch nhỏ ảnh hưởng đến tim, thận, mắt.
- Đối với thai nhi:
+ ĐTĐTK ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức
+ Các ảnh hưởng lâu dài: Gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh Đái tháo đường type 2, rối loạn tâm thần - vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ Đái tháo đường và tiền Đái tháo đường tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.
4. Cách sàng lọc để phát hiện đái tháo đường trong thai kỳ
- Tầm soát ĐTĐTK cho mọi thai phụ từ tuần thai thứ 24 - 28 và thời điểm này được xem là thời điểm tốt nhất cho phát hiện bất thường chuyển hóa carbohydrate trong thai kỳ.
- Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang, mẹ bầu sẽ được khám, tư vấn và thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường nhằm phát hiện, chẩn đoán thai phụ mắc bệnh ĐTĐTK.
Tài liệu tham khảo:
- “Bài giảng sản khoa” Đại học Y dược Hồ Chi Minh xuất bản năm 2021. Trang 218-247.
- “Hướng dẫn xét nghiệm 75 gram đường” Bệnh viện Hùng Vương.
- Ảnh & bài viết khoa nghiệm