PHÒNG NGỪA TÉ NGÃ Ở TRẺ EM

PHÒNG NGỪA TÉ NGÃ Ở TRẺ EM

Té ngã là một tai nạn thường gặp nhất, có thể nói hầu như đứa trẻ nào trong đời cũng đã từng bị ngã từ một vài lần đến nhiều lần. Có trường hợp trẻ chỉ bị xây xát nhẹ ngoài da và không gây hậu quả gì nghiêm trọng, nhưng có trường hợp bị chấn thương gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ bị nạn từ trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan .

Ngã thường do những nguyên nhân sau

Té ngã ở trẻ nhỏ:

  • Té ngã trong quá trình tập đi
  • Té ngã từ trên xe đẩy, nôi, võng
  • Trèo hoặc đứng trên ghế hoặc đồ vật kê không vững
  • Tuột khỏi tay người lớn đang bế…

Té ngã ở trẻ lớn:

  • Trượt té khi đi hoặc chạy đùa ở những nơi ẩm ướt, trơn như nhà tắm, sàn nước, sàn nhà mới lau hoặc bị đổ nước, sân chơi.
  • Chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau ngã, thường gặp ở nhà, ở trường học, trên đường đi học, đi chơi.
  • Trèo cây, trèo tường, trèo cột điện, cầu thang, ban công.
  • Té khi chạy xe đạp

Phòng ngừa ngã ở trẻ em

  • Đối với trẻ nhỏ, phải luôn có người lớn chăm sóc bên cạnh khi ăn, ngủ, chơi.
  • Sử dụng “cũi”, đặc biệt có tác dụng với trẻ nhỏ trong trường hợp không thể trông trẻ được
  • Có rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao tối thiểu 140 cm, chấn song dọc, khoảng cách giữa các song không vượt quá 10 cm.
  • Không kê đồ đạc nào gần cửa sổ, ban công để trẻ không thể trèo lên...
  • Không cho trẻ đã biết lật, bò ngồi hoặc nằm trên võng , giường lúc không có người lớn bên cạnh
  • Không cho trẻ đứng trên ghế, vật dụng không vững
  • Không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt.
  • Không để đồ vật của trẻ ngoài tầm với.
  • Không thực hiện các động tác dễ gây ngã cho trẻ nhỏ như xốc ngược, tung trẻ.
  • Không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi.
  • Dạy trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo, ví dụ như leo lên cây cao hái trái, leo cột điện để lấy diều, leo mái nhà
  • Giáo dục cho trẻ biết các nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi ngã, kỹ năng phòng tránh khi đi vào những nơi dễ ngã như cầu thang, nhà tắm, nơi trơn trượt
  • Giáo dục trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng, lòng đường.

Làm gì khi trẻ ngã:

  • Vết thương sưng, bầm tím: cần đắp khăn lạnh hoặc bọc đá.
  • Vết thương hở hoặc chảy máu: rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc nước sát trùng nếu có và băng ép lại. Xin tư vấn bác sỹ về tình trạng vết thương.
  • Bong gân: đắp khăn lạnh hoặc chườm đá, băng cố định, hạn chế vận động.
  • Đưa trẻ đi bệnh viện khi :

+ Trẻ bị gãy xương và chấn thương nặng khác

+ Trẻ bị chấn thương vùng đầu

          Tóm lại, ngã là một tai nạn sinh hoạt thường gặp nhất ở trẻ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe và tính mạng của trẻ bị nạn. Các biện pháp phòng ngừa được nêu ra ở trên rất đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên để thực hiện tốt việc phòng ngừa thì điều tiên quyết là mỗi cá nhân và gia đình phải luôn cảnh giác, cẩn trọng, nhận thức các nguy cơ có thể gây ra tai nạn và luôn có ý thức thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho chính gia đình thân yêu của mình.

Phòng QLCL


Tin liên quan