- Khái niệm, thực trạng
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) “Té ngã” là sự cố ngã không chủ ý của con người trên mặt đất, mặt sàn hoặc các tầng bề mặt thấp hơn. Theo AHRQ “Té ngã ở người bệnh là sự ngã xuống mặt sàn không chủ đích, có hoặc không gây thương tích cho người bệnh”.
Té ngã được xem là 6 sự cố y khoa thường gặp trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, được xem là vấn đề ưu tiên trong an toàn người bệnh. Vì người bệnh té ngã có thể có nhiều tổn thương ảnh hưởng đến thể chất người bệnh ở nhiều mức độ khác nhau từ mức không ảnh hướng đến ảnh hưởng nghiêm trọng có thể dẫn đến di chứng vĩnh viễn hoặc tử vong.
Ước tính hàng năm có khoảng 646000 người bệnh trên thế giới tử vong do té ngã, trong đó ở các nước thu nhập thấp và trung bình chiếm 80,0% và các nước thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương và các Nước Đông Nam Á chiếm tỷ lệ 60,0%. Theo AHRQ (2013), đã ghi nhận hàng năm có từ 700.000-1.000.000 trường hợp té ngã trong bệnh viện. Tần suất người bệnh té ngã trong bệnh viện dao động từ 1,3 đến 16,9 trong 1000 ngày nằm viện (WHO).
Theo thống kê tại Hoa Kỳ, số ngày điều trị nội trú kéo dài khoảng 6,3 ngày do té ngã và chi phí trực tiếp và gián tiếp tăng thêm khoảng 13,316 USD. Ở Úc và Phần Lan thì đối với người từ 65 trở lên chi phí tăng thêm lần lượt là 1.049 USD và 3.611 USD.
- Có 3 hình thái té ngã:
1. Té ngã do tai nạn:
Các trường hợp té ngã liên quan đến các tai nạn như trơn trượt, vấp ngã hay do một số rủi ro khác. Các trường hợp này có nguyên nhân từ các yếu tố liên quan đến môi trường, cơ sở vật chất. Với hình thái này, chương trình can thiệp cần hướng đến việc đảm bảo môi trường chăm sóc an toàn, đồng nghĩa với việc loại bỏ các nguyên nhân có thể dẫn đến té ngã ở trong bệnh viện. Kiểm tra môi trường, cơ sở vật chất (bằng hình thức site-chech): lối đi, sàn nhà, nhà vệ sinh, chất lượng các phương tiện vận chuyển (băng ca, xe lăng, xe đẩy), giường bệnh, thanh chắn.
2. Té ngã do các yếu tố thể chất có thể dự đoán được:
Các yếu tố thể chất có thể dự đoán được nguy cơ té ngã cao như người bệnh lớn tuổi, có các rối loạn/hạn chế vận động, có các hạn chế về thị giác, người bệnh gầy còm xuất hiện tình trạng tiểu đêm, sử dụng các loại thuốc trầm cảm, động kinh hay rất nhiều yếu tố khác đã được nghiên cứu và công bố. Với hình thái này chương trình can thiệp được khuyến cáo phòng ngừa những đối tượng có nguy cơ té ngã cao bằng cách áp dụng các công cụ để nhận diện nguy cơ té ngã như thang đo Morse, Hendrichjonhs Hopkins được dùng đánh giá té ngã ở ngưới, đối với trẻ em thì dùng thang đo Humpty Dumpty; xây dựng quy trình nhận diện đối tượng nguy cơ té ngã.
3. Té ngã do các yếu tố thể chất không thể dự đoán được:
Đây là hình thái có liên quan đến tình trạng bệnh lý và thể chất của người bệnh không thể đoán trước. Ví dụ: các trường hợp gẫy xương do loãng xương, ngất xỉu do bệnh lý tim mạch, huyết áp, …. Hình thái té ngã do các yếu tố thể chất không thể dự đoán được chiếm 8% tổng số trường hợp té ngã xảy ra. Với hình thái này cần xây dựng chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cho những đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có tiền sử bệnh động kinh,… Vì vậy, can thiệp ở đây chủ yếu là bảo vệ người bệnh không bị chấn thương nghiêm trọng khi xảy ra té ngã.
- Các giải pháp phòng ngừa:
1. Kiểm tra và đảm bảo môi trường chăm sóc an toàn
Thực hiện kiểm tra các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn về môi trường chăm sóc:
- Tay vịn – Thanh vịn: đảm bảo đầy đủ thanh tay vịn trong phòng của người bệnh, trên tất cả các bức tường giữa giường và phòng tắm.
- Sàn nhà: không được bóng loáng, bắt mắt và tối màu.
- Ghế ngồi: ghế có đầy đủ chức năng để tránh vị trượt ngã khi người bệnh di chuyển, đứng dậy hoặc ngồi xuống.
- Thiết lập hệ thống cảnh báo:
+ Cảnh báo khu vực
-+ Cảnh báo tại giường.
+ Cảnh báo trên ghế.
- Giường bệnh: có đủ chức năng điều chỉnh độ cao, khóa bánh tránh bị trượt, thanh chắn đảm bảo đủ dài chắn 2/3 giường và vững chắc.
- Chuông gọi hỗ trợ: các chuông báo phải được đặt trong tầm tay dễ dàng cho người bệnh.
- Phương tiện hỗ trợ đi lại:
+ Xe lăn: đảm bảo phần đỡ chân, hệ thống phanh.
+ Gậy, khung tập đi và nạng: đảm bảo chắc chắn và có sự ma sát cao ở mặt chân gây, khung tập đi và nạng.
+ Giá treo dịch truyền: có thể làm phương tiện đi lại cho người bệnh cho nên giá treo phải đảm bảo ma sát cao, nếu giá treo được thiết kế phần đế có bánh xe trượt thì phải có khóa an toàn.
- Cơ sở vật chất phục vụ người bệnh:
+ Dép còn độ bám tốt không trơn trượt và vừa cỡ với người bệnh.
+ Áo, quần hoặc váy: phù hợp với thể trạng người bệnh về kích cỡ.
+ Ánh sáng: phải đủ ánh sáng vào ban đêm.
- Tuân thủ kiểm tra định kỳ trang thiết bị
2. Đảm bảo an toàn trong thực hành chăm sóc và điều trị cho người bệnh
- Đầu tiên là Bác sĩ, Điều dưỡng và Hộ sinh tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đánh giá nguy cơ té ngã đối với người bệnh bao gồm đánh giá tình trạng sức khỏe, khả năng di chuyển và các yếu tố môi trường xung quanh.
- Thứ hai là hướng dẫn và hỗ trợ người bệnh trong các hoạt động hàng ngày như đi lại, ngồi dậy và sử dụng phương tiện hỗ trợ khác.
- Thứ ba là cần đảm bảo môi trường xung quanh người bệnh luôn an toàn bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ trơn trượt, chướng ngại vật và cung cấp đủ ánh sáng.
- Thứ tư là chú ý các loại thuốc người bệnh sử dụng có nguy cơ gây mất thăng bằng dẫn đến té ngã như thuốc an thần, chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, …
- Cuối cùng là đào tạo liên tục kỹ năng pháp phòng ngừa té ngã.
3. Nhận diện nguy cơ người bệnh té ngã
Nhận diện sớm yếu tố nguy cơ giúp cho Bác sĩ, Điều dưỡng, Hộ sinh đưa ra các biện pháp phòng ngừa kịp thời, từ đó giảm thiểu số lượng sự cố do té ngã ở trong bệnh viện. Hiện nay có nhiều công cụ đánh giá nguy cơ té ngã phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế như:
- Thang đo Morse fall scale (MFS): là công cụ phổ biến nhất do đơn giản và nhanh chóng dựa trên yếu tố tiền sử té ngã, tình trạng sử dụng thuốc và khả năng di chuyển của người bệnh
- Thang đo Hendrich II fall risk model (H2FRM): công cụ này dựa trên yếu tố nhận thức, tình trạng sức khỏe và sử dụng thuốc (các loại thuốc gây buồn ngủ hoặc làm giảm sự tỉnh táo).
- Thang đo St. Thomas’s risk asseement tool in falling elderly inpatients (STRATIFY): được áp dụng đánh giá cho người cao tuổi gồm các yếu tố như tiền sử té ngã, tình trạng thị lực và khảng di chuyển.
- Thang đo Johns hopkins fall risk assessment tool (JHFRAT): đây là công cụ toàn diện dựa trên nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, khả năng di chuyển và môi trường sống của người bệnh.
- Thang đo Humpty Dumpty Fall Scale (HDFS): thang đo này áp dụng đánh giá nguy cơ ở trẻ em gồm các yếu tố tuổi, giới tính, chẩn đoán, suy giảm nhận thức, các yếu tố môi trường, phản ứng với phẫu thuật/An thần/Gây mê và sử dụng thuốc.
Tùy theo điều kiện và văn hóa, cơ sử y tế có thể sử dụng công cụ đánh giá yếu tố nguy cơ phù hợp để đội ngũ nhân viên y tế đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả góp phàn nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và sự hài lòng của người bệnh.