ĐIỀU TRỊ ĐAU SAU MỔ  TẠI BỆNH VIỆN SẢN-NHI TỈNH KIÊN GIANG

ĐIỀU TRỊ ĐAU SAU MỔ TẠI BỆNH VIỆN SẢN-NHI TỈNH KIÊN GIANG

 

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BSCKI. Huỳnh Văn Nam - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Kiên Giang.

Cảm giác đau sau mổ luôn là một trong những nổi lo lắng của bất kỳ sản phụ nào. Ngày nay, với sự phát triển của nền y học hiện đại đã có nhiều phương pháp giúp điều trị đau sau mổ hiệu quả để giúp sản phụ giảm bớt cơn đau cũng như nhanh chóng phục hồi hơn.

1. Đau sau mổ là gì?

Đau sau mổ là cảm giác đau do cơ thể bị phẫu thuật can thiệp và thường xuất hiện sau khi mổ. Tùy thuộc tính chất và mức độ phẫu thuật của đội ngũ y bác sĩ và khả năng chịu đựng của người bệnh mà mức độ đau sau mổ có thể khác nhau ở mỗi người.

Trong những trường hợp vị trí phẫu thuật bụng dưới, thời gian đau nhiều khoảng 2 ngày. Bên cạnh đó, có trường hợp vết mổ lấy thai cũ có dính phức tạp có thể gây đau mạn tính kéo dài sau mổ nhiều năm, ảnh hưởng tâm lý trầm cảm sau mổ.

2. Phương pháp đánh giá mức độ đau sau mổ

Thang điểm đau VAS là gì ?

Thông thường khi xác định cường độ đau bác sĩ dựa vào đánh giá các thang điểm như nhìn đồng dạng (Visual Analog Scale-VAS); đây là thang điểm ứng dụng nhiều trong thực hành lâm sàng.

Thang điểm đau VAS - Thang điểm đo lường cường độ đau. Nó gồm một đường thẳng dài 100mm với hai đầu: 1 đầu là không đau, 1 đầu là đau không chịu đựng nổi, bệnh nhân sẽ tự chọn một số tương ứng với mức độ đau mà mình nhận được.

Mục tiêu của điều trị đau sau mổ là VAS < 4

3. Vai trò của điều trị đau sau mổ:

Điều trị đau sau mổ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như:

  •  Giúp sản phụ có cảm giác dễ chịu về mặt thể xác cũng như tinh thần.
  •  Mang ý nghĩa nhân đạo.
  •  Giúp cân bằng trạng thái tâm - sinh lý của người bệnh hậu phẫu thuật.
  •  Hỗ trợ công tác điều trị hiệu quả hơn: Thúc đẩy vết thương nhanh lành, giảm nguy cơ bội nhiễm vết thương, vận động sớm, giúp giảm nguy cơ tắc mạch, rút ngắn thời gian nằm viện.
  •  Giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và có thể tự chăm sóc bản thân.
  •  Hạn chế nguy cơ tiến triển thành đau mạn tính.

4. Các phương thức điều trị đau sau mổ

4.1. Giảm đau bệnh nhân tự kiểm soát bằng Morphin đường tĩnh mạch (PCA= Patient controlled analgesia).

Là phương pháp sản phụ tự kiểm soát liên quan đến việc thiết lặp thuốc giảm đau bằng liều bolus ban đầu và duy trì giảm đau bằng cách cho phép người mẹ tự tiêm các liều thuốc giảm đau theo yêu cầu bằng cách tự điều khiển nút bấm.

4.2. Giảm đau bằng Morphin tủy sống

Phương pháp này sử dụng Morphin tủy sống( 100mcg) giúp giảm đau hiệu quả 18 giờ đến 24 giờ.

4.3. Giảm đau bằng thủ thuật gây tê mặt phẳng cơ ngang bụng (TAP BLOCK)

Phương pháp này dùng lượng thuốc tê bơm vào mặt phẳng cơ ngang bụng dưới hướng dẫn của siêu âm.

4.4. Giảm đau bằng thủ thuật giảm đau ngoài màng cứng (PCEA= Patient controlled epidural analgesia)

Là phương pháp giảm đau 72 giờ, sản phụ tự kiểm soát liên quan đến việc thiết lặp thuốc giảm đau bằng liều bolus ban đầu và duy trì giảm đau bằng cách cho phép người mẹ tự tiêm các liều thuốc giảm đau theo yêu cầu bằng cách tự điều khiển nút bấm.

4.5. Giảm đau đa mô thức sau mổ

Phương pháp này được phối hợp các nhóm thuốc có cơ chế tác động khác nhau như: Opioid (Morphin, Fentanyl, Pethidin), Nefopam (Acupan), các NSAIDs ( voltaren, celecoxib…), Paracetamol…phương pháp giảm đau này nhằm đạt hiệu quả giảm đau cao hơn cho bệnh nhân.

5. Kết luận

Giảm đau sau mổ là một thành phần thiết yếu của chương trình chăm sóc phục hồi sớm sau mổ ERAS( Enhaned Recovery After Surgery). Hiện tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Kiên Giang hiện đang áp dụng thành công các biện pháp điều trị đau sau mổ giúp cho sản phụ giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí, nâng cao chất lượng điều trị, tăng cường hồi phục sớm sau mổ và giảm tỷ lệ biến chứng như viêm phổi, thuyên tắc, liệt ruột sau mổ,….


Tin liên quan