Phẫu thuật thành công trường hợp bé trai 3 tuổi bị thoát vị hoành bẩm sinh hiếm gặp của các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang.

Phẫu thuật thành công trường hợp bé trai 3 tuổi bị thoát vị hoành bẩm sinh hiếm gặp của các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang.

 

 

Một bệnh nhi 3 tuổi mắc bệnh lý thoát vị hoành bẩm sinh phức tạp đã được các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp Nhi - Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang phẫu thuật thành công. Với tạng thoát vị là dạ dày, nếu không phẫu thuật kịp thời bé có thể suy hô hấp, thủng dạ dày dẫn đến viêm phúc mạc, sốc và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.

 

 

 

 

(Hình ảnh minh hoạ)

Quá trình hỏi bệnh, thăm khám và chẩn đoán

Bé trai N.M.C.B ( 3 tuổi, cư trú tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), bé bệnh khoảng 12 tiếng, đột ngột thở mệt, khò khè từ trưa, không sốt, không nôn, không đi tiêu tính từ lúc khởi phát bệnh. Triệu chứng ngày càng tăng nên ngay sau đó, bé được người nhà đưa đến bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang để thăm khám và điều trị.

          Tại Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang, BSCKII. Nguyễn Quang Dũng – Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp Nhi, cũng chính là phẫu thuật viên chính trong ekip cứu sống tính mạng của đứa trẻ cho biết, bé nhập viện trong tình trạng tỉnh, kích thích, vật vã. Da niêm hồng, chi ấm, mạch quay rõ, nhiệt độ 37 o C, SpO2: 100% thông qua Canula 5l/phút. Bụng bé mềm, Sonde dạ dày dịch nâu đỏ. Thăm hậu môn thì bóng trực tràng trống, không phân.

Bé được làm các xét nghiệm máu, khí máu động mạch, X-quang ngực, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim và chụp CT bụng - ngực có tiêm thuốc cản quang, cho thấy dạ dày của trẻ nằm trên lồng ngực, chèn ép vào phổi khiến phổi (T) của bé gần như bị chiếm chỗ, tim bị đẩy lệch sang bên (P). Siêu âm màng phổi có khối dạng dịch sau phổi (T). Công thức máu của bé cho thấy: Số lượng bạch cầu: 15 000/ uL, Neu: 82%;  Hb: 14g/dL  ; Khí máu động mạch: pH:7.3

 

Hình ảnh Xquang: Vùng tăng sáng 2/3 dưới phổi (T), nghi thoát vị hoành (T).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CT Scan ngực: Phổi (T) giảm thể tích, có hình ảnh khối choán chỗ, đậm độ, thấp, bờ đều, giới hạn rõ, bên trong có hình ảnh khí dịch. Nghĩ thoát vị hoành (T).

 

 

Các bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị hoành trái gây biến chứng suy hô hấp, nghĩ nhiều dạ dày chui vào lồng ngực vùng phổi trái làm giảm khả năng thở của bé và gây xuất huyết dạ dày dẫn đến sonde dạ dày ra dịch nâu đỏ. Bé được chỉ định mổ cấp cứu ngay sau đó.

 

Điều trị

          Phẫu thuật được thực hiện bằng đường mổ dưới sườn trái 6cm, vào ổ bụng thấy dạ dày thoát vị qua cơ hoành lên khoang màng phổi trái, không hoại tử. Tiến hành đưa dạ dày về ổ bụng, kiểm tra dạ dày còn hồng hào. Khâu phục hồi cơ hoành. Sau đó kết thúc với việc lau bụng và đóng bụng.

          Sau mổ bé được chụp x-quang ngực kiểm tra: không còn hình ảnh khối thoát vị ở phổi, nhu mô phổi trái và cơ hoành cũng trở về gần như bình thường. Bé được hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở máy xâm lấn liên tục, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần, sử dụng kháng sinh và các liệu pháp nâng đỡ khác.

         

 

Hình ảnh Xquang ngay sau mổ 

 

 

 

 

Hình ảnh Xquang sau 3 tuần mổ. Nhu mô phổi đã nở như bình thường.

 

 

Hình ảnh được ghi nhận gần đây sau 03 tháng xuất viện, sức khoẻ của bé đã hồi phục và trở lại cuộc sống

 sinh hoạt bình thường.

 

Theo BSCKII. Nguyễn Quang Dũng – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang: Thoát vị hoành là tình trạng các tạng trong ổ bụng đi vào lồng ngực qua một lỗ khiếm khuyết của cơ hoành từ thời kì bào thai. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do tình trạng thiểu sản phổi và tăng áp phổi.

Nguyên nhân bệnh chưa rõ. Nhiều bằng chứng cho thấy do tương tác yếu tố di truyền, môi trường và dinh dưỡng lên sự phát triển bào thai. Các loại hoá chất và tình trạng thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Người mẹ nhẹ cân có thể là yếu tố nguy cơ cho trẻ mắc thoát vị hoành.

Biểu hiện lâm sàng của trẻ thường là dấu hiệu suy hô hấp như thở nhanh, tím tái. Nghe phổi phế âm giảm một bên, tiếng ruột trong lồng ngực. Nhìn mỏm tim lệch phải. Thành bụng lõm. Cận lâm sàng cho thấy siêu âm ngực bụng thể hiện thấy hình ảnh các các tạng ổ bụng nằm trong lồng ngực. X-quang phổi có hình ảnh bóng hơi dạ dày hoặc ruột trong lồng ngực. Trung thất bị đẩy về bên đối diện.

Những rối loạn trong quá trình hình thành phổi sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng sau sinh như: Suy giảm chức năng hô hấp dẫn đến thiếu oxy nặng và tăng CO2 máu; Tăng áp lực động mạch phổi kéo dài...

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực phẫu thuật và hồi sức sau mổ thì cơ hội cứu sống trẻ bị thoát vị hoành cao hơn so với trước kia, tuy nhiên, tỉ lệ tử vong vẫn còn rất cao. Những nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, tỉ lệ tử vong của bệnh thoát vị hoành vào khoảng 20 - 50%. Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, đặc biệt là mức độ thiểu sản phổi. Những trường hợp có khe hở cơ hoành lớn cần tiếp tục phẫu thuật lần 2 để phục hồi cơ hoành.

Tóm lại: Thoát vị hoành là tình trạng Ngoại khoa nguy kịch có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Do đó khi phát hiện trẻ có các biểu hiện trên nên đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở chuyên khoa, để được Bác sĩ khám, chẩn đoán và xử trí phù hợp. Tránh các tình trạng đáng tiếc xảy ra.

 Ảnh/ Bài viết khoa Ngoại Nhi.

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tin liên quan