NHIỀU TRƯỜNG HỢP XOẮN TINH HOÀN ĐƯỢC PHẪU THUẬT CẤP CỨU KỊP THỜI TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI KIÊN GIANG.

NHIỀU TRƯỜNG HỢP XOẮN TINH HOÀN ĐƯỢC PHẪU THUẬT CẤP CỨU KỊP THỜI TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI KIÊN GIANG.

 

Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn xoắn quanh trục mạch máu nuôi tinh hoàn làm tắt nghẽn mạch máu dẫn đến tổn thương tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu ngọai khoa cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu kịp thời để cứu sống tinh hoàn, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn đến tổn thương tinh hoàn không hồi phục, nếu đến trễ tinh hoàn hoại tử phải cắt bỏ tinh hoàn.

 

 

TINH HOÀN BÌNH THƯỜNG          TINH HOÀN BỊ XOẮN

     Hình ảnh minh họa

 

 

  
   

Sau đây là một vài trường hợp xoắn tinh hoàn được phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh Viện Sản Nhi Kiên Giang.

Trường hợp 1: Xoắn tinh hoàn trong bìu

 

Quá trình hỏi bệnh, thăm khám và chẩn đoán:

 

Bé trai T.T.T, 13 tuổi, bệnh khoảng 12 giờ, bé đột ngột đau tức bìu bên Trái (T) vào khoảng 3 giờ sáng, đau tăng dần không giảm kèm sưng bìu trái, không sốt, không nôn, không tiểu gắt buốt, người nhà thấy bé không giảm đau nên đưa đến khám và nhập viện.

Bé nhập Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, mạch huyết áp trong giới hạn bình thường, than đau tức nhiều vùng bìu (T). Khám thấy tinh hoàn (T) sưng, ấn đau, kích thước lớn hơn tinh hoàn bên Phải (P), tinh hoàn (T) nằm cao hơn, mất phản xạ da bìu bên (T) ( Phản xạ da bìu bình thường khi ta cọ vào mặt trong và trên của đùi thì tinh hoàn cùng bên sẽ chạy lên lúc kích thích đùi).

 

 Hình ảnh ghi nhận tại cấp cứu: tinh hoàn (T) sưng to, rút lên cao, da bìu bên (T) sậm màu hơn bên (P).

Sau khi hỏi bệnh và thăm khám, bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp Nhi chúng tôi chẩn đoán bé bị Xoắn tinh hoàn bên (T) giờ thứ 12 quyết định mổ khẩn, không chờ đợi thêm kết quả xét nghiệm máu trước mổ thường quy vì khi chẩn đoán xoắn tinh hoàn được đặt ra thì thời gian cứu sống tinh hoàn chỉ còn tính bằng phút, bằng giờ. Phẫu thuật trước 6 giờ thì khả năng cứu sống tinh hoàn là 100%, từ 6-12 giờ là 70% và chỉ còn 20% từ 12-24 giờ.

 

Điều trị:

 

Phẫu thuật được tiến hành bằng đường rạch ngang giữa bìu bên (T), bóc tách qua các lớp cơ bìu, mở bao tinh mạc thấy thừng tinh xoắn 2,5 vòng, tinh hoàn (T) tím đen, tiến hành tháo xoắn và đấp ấm nhưng tinh hoàn không có dấu hiệu tưới máu, rạch vỏ bao tinh hoàn không thấy máu chảy ra. Quyết định cắt bỏ tinh hoàn (T) đã hoại tử. Tiến hành phẫu thuật cố định tinh hoàn (P) để phòng ngừa xoắn tinh hoàn (P).

Một số hình ảnh trong lúc phẫu thuật cho bé K:

Tinh hoàn (T) xoắn tím đen

 

Sau khi đp ấm 15 phút tinh hoàn vẫn còn tím đen

 

 

Phẫu thuật cố định tinh hoàn (P)         Tinh hoàn (T) hoại tử

Trường hợp 2: Xoắn tinh hoàn ẩn

Quá trình hỏi bệnh, thăm khám và chẩn đoán:

 

Bệnh nhi nam L.H.K 2 tuổi, bệnh 5 giờ, bé đột ngột đau vùng bẹn (P), quấy khóc, người nhà thấy bé than đau kèm phát hiện chỉ có tinh hoàn bên (T) trong bìu (T), bên (P) không sờ thấy tinh hoàn nên đưa bé đến khám và nhập viện.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang khám ghi nhận bé tỉnh, than đau vùng bẹn (P), bìu (P) không sờ thấy tinh hoàn. Tinh hoàn bên đối diện bình thường, sờ  không đau.

Siêu âm cấp cứu ghi nhận tinh hoàn (P) trong ổ bụng, có hình ảnh xoắn tinh hoàn, không thấy phổ doppler tưới máu tinh hoàn bên (P), tinh hoàn (T) tưới máu bình thường.

Qua hỏi bệnh, thăm khám và kết hợp với hình ảnh siêu âm, chúng tôi chẩn đoán bé K bị Xoắn Tinh Hoàn (P) n trong ổ bụng giờ thứ 5

Tinh hoàn ẩn ( tinh hoàn chưa xuống bìu: có thể nằm trong ổ bụng hay trong ống bẹn ). Tinh hoàn ẩn không được cố định tốt như tinh hoàn ở bìu nên dễ xoắn hơn bình thường.

Điều trị:

 

            Phẫu thuật được tiến hành bằng đường rạch da khoảng 3cm ở vùng bẹn giữa củ xương mu và gai chậu trước trên bên (P), bóc tách từng lớp vào ổ bụng thấy tinh hoàn xoắn 1.5 vòng, tiến hành tháo xoắn, đắp ấm, thấy tinh hoàn hồng trở lại, hạ tinh hoàn xuống bìu và cố định tinh hoàn ở bìu.

 

 

Hình ảnh tinh hoàn lúc mổ: sau khi tháo xoắn tinh hoàn hồng trở lại, cho thấy dấu hiệu tinh hoàn còn máu nuôi tốt.

Hình ảnh sau khi tái khám 1 tuần, siêu âm cho thấy máu nuôi tinh hoàn (P) tốt.

TỔNG KẾT

Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên nhiều nhất là tuổi sơ sinh và dậy thì. Trong số các trường hợp xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh có khoảng 2/3 trường hợp là xoắn trước sinh và được chẩn đoán ngay khi sinh ra.

 

Biểu hiện thường là đau dữ dội và xảy ra đột ngột, cơn đau tăng dần và không ngừng, đặt biệt cơn đau từ ban đêm đến sáng sớm là dấu hiệu gợi ý. Tuy nhiên không ít các trường hợp chỉ đau mơ hồ, hoặc bé nhỏ nhút nhác, chịu đựng làm người bệnh đến khám trễ. Nhiều trường hợp chỉ than đau bụng, đau vùng bẹn mà không đau bìu hoặc thậm chí là không đau làm khó chẩn đoán. Có trường hợp chẩn đoán nhằm là viêm tinh hoàn ( chỉ cần điều trị thuốc, không cần phẫu thuật).

 

Biểu hiện của bệnh hết sức đa dạng một số trường hợp rất khó chẩn đoán vì vậy cần chú ý kiểm tra tinh hoàn ở bé nhỏ khi bé than đau bìu, hoặc đau bụng, đến khám sớm đúng chuyên khoa để được điều trị kị thời, đặt biệt là những trường hợp tinh hoàn ẩn cần được khám và theo dõi để được phẫu thuật đúng độ tuổi, tránh tổn thương tế bào sinh tinh trùng. Ở người lớn khi có triệu chứng đau bìu không nên lơ là mà nên đến khám sớm đúng chuyên khoa để được phát hiện và điều trị sớm, tránh tình trạng đến trễ, tinh hoàn hoại tử phải cắt bỏ tinh hoàn.

 

Phẫu thuật được tiến hành bằng đường mổ nhỏ ở nếp bẹn mu, chỉ khoảng 2cm có tính thẩm mỹ, ít đau, trẻ sớm trở lại hoạt động bình thường sau phẫu thuật.

 

Tóm lại: Xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu ngọai khoa cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu kịp thời để cứu sống tinh hoàn, nếu có bất kỳ tình trạng bất thường nào ở bìu, tinh hoàn, nên đến khám và điều trị sớm theo đúng chuyên khoa để được điều trị đúng và kịp thời, tránh biến chứng về sau.

Ảnh/ Bài viết khoa Ngoại Nhi.


Tin liên quan