PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG TEO RUỘT NON TYPE IIIB Ở TRẺ SƠ SINH NHẸ CÂN NON THÁNG - TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI KIÊN GIANG
Teo ruột non bẩm sinh là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh, với biểu hiện lâm sàng nặng nề và tiên lượng phức tạp, đặc biệt ở trẻ sinh non và nhẹ cân. Trong đó, thể teo ruột type IIIB – còn gọi là “teo thể vỏ táo” – là một thể rất nặng, khi đoạn ruột teo rời ra hoàn toàn, chỉ còn nối thông qua một dải mạch máu hẹp giữa hai đầu ruột. Việc xử trí phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao, theo dõi lâu dài và can thiệp dinh dưỡng tích cực sau mổ.
Vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang đã phẫu thuật thành công một bệnh nhi sơ sinh nhẹ cân non tháng bị teo ruột non type IIIB, giúp bé hồi phục ngoạn mục, hiện tại bé đã 10 tháng tuổi, tăng cân điều, ăn uống tự nhiên bằng đường miệng, mà không cần hỗ trợ dinh dưỡng qua tĩnh mạch.
📍 Bé gái 1 ngày tuổi. Sinh non ở tuần thứ 36, cân nặng lúc sinh 2100g, sau phẫu thuật giải áp cân nặng chỉ còn 1800g. Ngay sau sinh vài giờ bé có biểu hiện tắc ruột rõ rệt, không đi phân su, bụng chướng dần, nôn dịch xanh lượng nhiều.
Chụp X-quang bụng đứng không chuẩn bị cho thấy hình ảnh mức nước - mức hơi gợi ý tắc ruột cao. TOGD sau 60 phút thuốc không xuống được đại tràng. Dưới sự cho phép của Trực lãnh đạo Bs.CKII Danh Tý Phó Giám Đốc bệnh viện và Bs.CKII Nguyễn Quang Dũng Trưởng khoa Ngoại Tổng Hợp Nhi. Bé được chỉ định mổ cấp cứu sau 14 tiếng nhập viện. Cuộc phẫu thuật khó khăn kéo dài 150 phút giữa đêm khuya với sự phối hợp của hai ekip trực Ngoại Tổng Hợp Nhi và Phẫu Thuật Gây Mê Hồi Sức.
🔬 Phẫu thuật viên chính Bs.CK1 Nguyễn Văn Hợp cho biết, trong lúc phẫu thuật ghi nhận đoạn ruột non bị teo hoàn toàn theo thể type IIIB, tức là ruột bị mất liên tục, đứt đoạn hoàn toàn, chỉ còn kết nối với nhau bằng một dải mạch máu mỏng, không có đoạn ruột giữa. Ruột đầu gần giãn to, đầu xa teo nhỏ kèm xoắn.
Ekip phẫu thuật đã tiến hành: Cắt bỏ một đoạn ruột giãn to thiếu máu nuôi và khâu nối hai đoạn ruột, cố gắng tối đa bảo tồn chiều dài ruột non (đo được khoảng 140 cm sau mổ, đủ để nuôi ăn bằng đường tiêu hoá sau này) Sau mổ, bé được chuyển về điều trị tích cực tại khoa hồi sức sơ sinh.
🍼 Trưởng khoa hồi sức sơ sinh Bs.CKI Lê Hồng Phượng cho biết thêm, bé phải nuôi ăn hoàn toàn qua tĩnh mạch trong thời gian đầu sau phẫu thuật và xây dựng phác đồ tăng cường nuôi dưỡng để hỗ trợ sự phát triển của ruột và ngăn ngừa biến chứng, song song với việc chăm sóc vết mổ của bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp nhi. Từng bước, bé được tập ăn sữa mẹ qua sonde → ăn bằng miệng → ăn đặc dần. Sau 1 tháng, bé xuất hiện tình trạng nhiễm nấm, được chuyển lên Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố tiếp tục điều trị nhiễm nấm và xuất viện sau đó.
✅ Hiện tại, ở thời điểm 10 tháng tuổi: Bé nặng hơn 5.8 kg Ăn uống tốt, hoàn toàn bằng đường miệng. Phân đều, không rối loạn tiêu hóa. Gia đình được hướng dẫn chăm sóc và tái khám định kỳ tại phòng khám chuyên khoa Ngoại Nhi
Trường hợp này là minh chứng cho hiệu quả của việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và chăm sóc hậu phẫu toàn diện tại Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang.
Theo BS.CK1 Nguyễn Văn Hợp: “Teo ruột non là bệnh lý bẩm sinh phức tạp, có thể phối hợp nhiều dị dạng bẩm sinh khác, trong đó thể IIIB là thể bệnh nặng, đặc biệt là ở bệnh nhi sơ sinh nhẹ cân non tháng thì quá trình phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu sẽ gặp nhiều khó khăn”
------------------------------------------------------------------------
BỆNH VIỆN SẢN - NHI KIÊN GIANG
Địa chỉ: Số 03, đường Ung Văn Khiêm, P. Rạch Giá, tỉnh An Giang
Tổng đài CSKH: 1900.9319
TikTok & Zalo: Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang