CỨU SỐNG THÀNH CÔNG CA TAY CHÂN MIỆNG ĐỘ 4  TRIỂN KHAI KỸ THUẬT LỌC MÁU LIÊN TỤC ĐẦU TIÊN TẠI  BỆNH VIỆN SẢN NHI KIÊN GIANG

CỨU SỐNG THÀNH CÔNG CA TAY CHÂN MIỆNG ĐỘ 4 TRIỂN KHAI KỸ THUẬT LỌC MÁU LIÊN TỤC ĐẦU TIÊN TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI KIÊN GIANG

 

Đó là trường hợp của bé trai CON BÀ T.T.H, 17 tháng tuổi, ngụ tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Em ở với Bà nội, ba mẹ đi làm xa, em bệnh 4 ngày, 3 ngày đầu em sốt, nổi chấm đỏ bàn chân, Bà nội đi mua thuốc ở tiệm cho cháu uống, đến ngày thứ 4 em sốt cao, giật mình nhiều lần, đứng không vững, mãi đến chiều tối, Bà nội mới đưa em đến khám tại Trung Tâm Y tế huyện, tại đây em được chẩn đoán: Bệnh tay chân miệng độ 2b nhóm 2 và nhanh chóng liên hệ  chuyển lên tuyến tỉnh. Bệnh viện Sản Nhi tiếp nhận em lúc 22 giờ trong tình trạng: bứt rứt, tím tái, tụt SpO2, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, da nổi bông, sốt 40 độ C, thở không đều, nhịp tim rất nhanh, hồng ban lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng.

Hình ảnh Bé đang được lọc máu

Ngay khi tiếp nhận bé, các Bác sĩ của kíp trực nhanh chóng xác định đây là 01 trường hợp Bệnh tay chân miệng độ 4, tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Kíp trực nhanh chóng hội chẩn viện. Dưới sự chỉ đạo của BS.CKII. Danh Tý – Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Kiên Giang, phụ trách chuyên môn nhi toàn tỉnh và TS. BS Huỳnh Trung Triệu – Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, tua trực đã nhanh chóng các bước hồi sức ban đầu như đặt nội khí quản, tạo lập đường truyền, vận mạch, an thần, gamma globulin và lên kế hoạch lọc máu.

 

Hình ảnh trước ngày bé ra viện

Với sự hướng dẫn và đồng hành nhiệt tình của TS.BS Huỳnh Trung Triệu đã cùng kíp trực chạy đua với thời gian trong đêm để vận hành kỹ thuật CRRT- lọc máu liên tục, kỹ thuật vừa được triển khai và áp dụng lần đầu tiên trên bệnh nhân tại Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang. Sau khi lọc máu được vài giờ, tình trạng bệnh của bé tiến triển tốt, hết sốt, các chỉ số sinh hiệu dần về mức bình thường. Duy trì lọc máu đến 48 giờ, sau đó ngưng, đến ngày thứ 7 của bệnh, tình trạng bé ổn, tự thở tốt. Đến ngày thứ 9, em được cai máy, và sau 15 ngày điều trị em đã được xuất viện trong niềm vui của người thân và nhân viên y tế. May mắn thay không để lại bất kỳ di chứng nào.

 

Qua đây các Bác sĩ khuyến cáo, nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh: Bệnh tay chân miệng còn đang diễn tiến phức tạp, các bậc phụ huynh đặc biệt lưu ý, nên cho bé đi khám khi phát hiện bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông… để được chẩn đoán và dặn dò theo dõi sát. Có các dấu hiệu sau thì phải đưa bệnh nhi vào viện kịp thời: Sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt…

 

Nguồn: Ảnh & bài viết khoa HSCC 


Tin liên quan