CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN  THEO CHU TRÌNH PLAN – DO – CHECK - ACT

CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN THEO CHU TRÌNH PLAN – DO – CHECK - ACT

I. Tổng quan

Hiện nay có nhiều đổi mới trong khái niệm chất lượng chăm sóc sức khỏe. Theo Mainmuah A. Hamid và cộng sự (2004), “Chất lượng là làm đúng việc ngay từ lần đầu tiên và làm việc đó tốt hơn trong những lần tiếp theo”. Còn theo Viện y khoa Hoa Kỳ năm 2001, Định hướng chất lượng trong y tế bao gồm: “An toàn, Hiệu quả, lấy người bệnh làm trung tâm, đúng lúc, hiệu suất cao và công bằng”. Có nhiều mô hình, cách tiếp cận quản lý chất lượng như: Phương pháp tiếp cận PDCA, phương pháp tiếp cận 6 Sigma, phương pháp Kaizen, cách tiếp cận theo JCI, ISO, TQM,…. PDCA có thể triển khai cho một hoạt động cụ thể, không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực và có thể triển khai trên phạm vi rộng.

      II. Định nghĩa

PDCA là viết tắt của 4 bước trong chu trình cải tiến liên tục bao gồm: Plan (lập kế hoạch) – Do (thực hiện) – Check (kiểm tra) – Act (điều chỉnh). Phương pháp quản lý PDCA xuất phát từ ý tưởng của Shewhart vào năm 1950 trong một hình thái khác. Thời điểm đầu, Chu trình chỉ bao gồm 3 phần là : xác định đặc điểm kĩ thuật - sản xuất - kiểm tra - hành động điều chỉnh. Chu trình PDCA được tán thành bởi Deming tìm ra điểm quan trọng trong quá trình phát triển liên tục. Nó giúp cải thiện hiệu suất quá trình một cách ổn định và có tổ chức.

Chu trình PDCA (Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra /Đánh giá – Hoạt động điều chỉnh)

      III. Lợi ích:

Việc áp dụng mô hình PDCA trong Quản lý Chất lượng mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho bệnh viện, từ việc cải thiện chất lượng dịch vụ đến tối ưu hóa hiệu suất và tăng cường niềm tin của người bệnh đối với bệnh viện. Dưới đây là một số lợi ích cụ thể của việc sử dụng PDCA trong hoạt động quản lý Chất lượng:

Cải thiện chất lượng: Chu trình PDCA cung cấp cái nhìn tổng quan liên tục để theo dõi, đánh giá và cải thiện chất lượng. Bằng cách lặp đi lặp lại các giai đoạn Plan-Do-Check-Act,  ta có thể phát hiện và loại bỏ các lỗi, không chỉ giúp tăng cường sự hài lòng của người bệnh mà còn tăng cường uy tín của Bệnh viện.

Tối ưu hóa quy trình: Mô hình PDCA giúp tối ưu hóa các quy trình. Bằng cách xác định, loại bỏ các rủi ro và lỗi trong quy trình, từ đó có thể tiết kiệm thời gian và nguồn lực, cải thiện hiệu suất và giảm thiểu chi phí.

Tiết kiệm chi phí: Chu trình PDCA giúp loại bỏ lãng phí và tối ưu hóa quy trình làm việc, từ đó giảm thiểu chi phí cung ứng dịch vụ. Việc tiết kiệm chi phí này có thể được chuyển giao cho khách hàng thông qua giá cả cạnh tranh hoặc tăng cường lợi nhuận cho bệnh viện.

Tăng cường hiệu suất và năng suất: Mô hình PDCA giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và tăng cường hiệu suất và năng suất lao động. Bằng cách loại bỏ các hoạt động không hiệu quả và tối ưu hóa quy trình, Bệnh viện có thể đạt được sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng cao một cách hiệu quả hơn.

Tăng cường niềm tin của khách hàng: Khi sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu của người bệnh, họ sẽ có niềm tin và sự tin tưởng cao hơn vào bệnh viện.
      IV.Các bước thực hiện

1. Lập kế hoạch (Plan):

- Thiết lập các mục tiêu và mục đích để cải thiện hoặc phát triển mà chúng ta hướng tới.

- Mô tả chi tiết nhiệm vụ với những thông số /chỉ số đo lường rõ ràng.

- Thành lập một nhóm thực hiện và đặt lịch và thời hạn công việc

- Ghi lại các dữ liệu được sử dụng, các nguồn lực cần thiết, chi phí dự kiến, rủi ro và các bước giảm thiểu rủi ro, nhân lực cần thiết, hỗ trợ cần thiết từ quản lý.

- Lập một kế hoạch thực hiện rồi phân tích từng công việc, người thực hiện, kết quả mong đợi, cách vận hành hoặc hướng dẫn, v.v.

2. Thực hiện (Do):

- Bám sát kế hoạch thực hiện, thực hiện tất cả các nhiệm vụ.

- Cập nhật tiến độ với các bên liên quan

- Tuân theo lịch trình và thông báo bất kỳ lo ngại cũng như những lưu ý trong quá trình thực hiện.

3. Kiểm tra/Đánh giá (Check):

- Sau một thời gian thực hiện, cần xác nhận xem kết quả có như dự định và kế hoạch đặt ra không.

- Ghi chú tất cả các thay đổi, sai sót, cách làm tốt nhất, điểm khó khăn và thách thức phải đối mặt

- Xác định nguyên nhân gốc rễ cho các vấn đề

4. Hoạt động điều chỉnh (Act):

- Sửa lỗi và tuân thủ các thông số/chỉ số

- Xác định các hành động phòng tránh cho tất cả các nguyên nhân làm cho vấn đề xuất hiện hoặc tái xuất hiện.

- Thực hiện các hành động phòng tránh và kiểm tra xem kết quả có như mong đợi hay không.

- Lặp lại các bước Thực hiện KH - Kiểm tra/ Đánh giá - Hành động điều chỉnh cho đến khi tất cả các mục tiêu được đáp ứng với sự hài lòng của các bên liên quan.

Phòng QLCL