BỆNH SỞI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

BỆNH SỞI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

 

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, bệnh sởi ở trẻ em được gây ra bởi virus sởi, thuộc Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Đây là một chủng virus có khả năng lây lan và phát triển nhanh chóng và có nguy cơ bùng phát thành dịch cao khi thời tiết chuyển lạnh và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Từ đầu  năm 2024 đến nay, Khoa truyền Nhiễm Nhi BVSN tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận ba trường hợp bệnh sởi. Tại Việt Nam, Sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vacxin..

Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não…là các biến chứng nguy hiểm khi mắc Sởi có thế dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc Sởi khi mang thai cũng có thể gây ra sảy thai, sanh non.

1. Triệu chứng:

- Thời kỳ ủ bệnh: (Từ lúc bị nhiễm vi rút đến lúc có triệu chứng bệnh): Từ 7 đến 18 ngày. Trẻ có thể sốt nhẹ.

- Thời kỳ khởi phát (thời kỳ viêm long hô hấp): Đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện:

 + Sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,50C đến 400C, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp

+ “Viêm long hô hấp”(có triệu chứng giống như cảm cúm): chảy nước mắt, gỉ mắt, mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng, có thể tiêu chảy.

+ Họng có thể thấy những chấm trắng nhỏ khoảng 1mm trên nền niêm mạc má viêm đỏ, thường ngang với răng hàm thứ nhất, tồn tại khoảng 12- 18h.

- Thời kỳ toàn phát (thời kỳ phát ban): Kéo dài từ 2-5 ngày. Ngày đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và tay. Ngày thứ 2 đến ngày thứ 3, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân. Ban sởi màu hồng nhạt. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.

- Thời kỳ phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại những vết thâm đen trên bề mặt da loang lổ nên được gọi là “vết vằn da hổ”.

2. Cách chăm sóc trẻ bị sởi

- Bệnh nhi phải được ở nơi thoáng mát, ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, nên được cách ly ít nhất 5 ngày sau khi phát ban. Khi chưa xuất hiện các biến chứng, không nên cho trẻ dùng kháng sinh. Hạ sốt nếu sốt trên 38,5oC; Có thể cho trẻ dùng thuốc giảm ho; Hằng ngày vệ sinh da, răng - miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn; Rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối sinh lý (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý.

- Trẻ cần được ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước (dung dịch oresol, nước quả tươi), không nên kiêng khem quá mức, sẽ dễ gây tình trạng thiếu các vi chất ở trẻ. Với trẻ đang bú, tiếp tục cho bú mẹ.

- Khi có biến chứng, có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi sởi bay mà trẻ vẫn sốt đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

3.Cách phòng bệnh sởi

- Cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng sởi. Trẻ cần tiêm ít nhất  2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi trở lên. Với trẻ 9 - 24 tháng tuổi có thể đưa trẻ đến các Trạm Y tế phường nơi cư trú để tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng thường xuyên. Với trẻ > 24 tháng tuổi mà chưa được tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin có thành phần phòng sởi thì phải đưa ngay trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng theo quy đinh;

- Vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Che miệng khi ho, hắt hơi. Cách ly người bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng: Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan, người lớn phải nghỉ làm 5 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban;

- Dinh dưỡng hợp lý để nâng cao đề kháng với bệnh

- Vệ sinh môi trường, tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B 0,5% hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Khi thấy xuất hiện những triệu chứng bệnh sởi hoặc sốt phát ban cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra.

Ảnh & Bài viết khoa Nhi Nhiễm ( Sưu tầm)