TẬP HUẤN VỆ SINH TAY CHO THÂN NHÂN NUÔI BỆNH TẠI BỆNH VIỆN SẢN – NHI TỈNH KIÊN GIANG
Nhằm hưởng ứng tháng hành động Vệ sinh tay của tổ chức Y tế thế giới (ngày 5/5/2025), giúp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của vệ sinh tay trong phòng ngừa nhiễm khuẩn Bệnh viện. Ngày 14 tháng 03 năm 2025, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn phối hợp với khoa Hậu phẫu Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Kiên Giang đã tổ chức buổi tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn thực hành đúng vệ sinh tay cho thân nhân bệnh nhân. Đây là hoạt động quan trọng, thiết thực giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ cho các sản phụ mổ lấy thai và các nguy cơ lây nhiễm khác. Góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện, bảo vệ sức khỏe sản phụ, trẻ sơ sinh, thân nhân nuôi bệnh và nhân viên y tế.
Thân nhân người bệnh tại khoa Hậu phẫu trong buổi tập
Tại buổi tập huấn, Bà Đỗ Thị Huyên, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã tóm tắt sơ lược về lịch sử ra đời và tầm quan trọng của vệ sinh tay, bà nhấn mạnh: Trong môi trường bệnh viện, vi khuẩn và virus dễ lây lan qua đường tiếp xúc. Bàn tay là nguyên nhân chính mang mầm bệnh từ môi trường vào cơ thể, từ người này sang người khác, đặc biệt gây nguy hiểm cho những người có hệ miễn dịch suy yếu, sản phụ sau sanh, trẻ sơ sinh non tháng, ... Vì vậy, vệ sinh tay đúng cách là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo vệ cả bệnh nhân lẫn thân nhân.
Khi nào cần vệ sinh tay?
Thân nhân chăm sóc người bệnh nên rửa tay trong các tình huống quan trọng:
- Trước và sau khi chạm vào người bệnh.
- Trước khi cho người bệnh ăn hoặc uống thuốc.
- Sau khi vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân.
- Sau khi tiếp xúc với bề mặt, vật dụng trong phòng bệnh.
Sau khi ho, hắt hơi hoặc sử dụng nhà vệ sinh.
Hành động nhỏ – Ý nghĩa lớn
Vệ sinh tay không chỉ là trách nhiệm của nhân viên y tế mà còn cần sự chung tay của thân nhân người bệnh để góp phần giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn Bệnh viện, an toàn cho người bệnh, thân nhân và nhân viên y tế.
Buổi tập huấn diễn ra sôi nổi hào hứng, thân nhân nuôi bệnh được giải đáp các thắc mắc, các ông bố bỉm sữa, những vị thân nhân vui vẻ nhiệt tình hưởng ứng thực hành đúng vệ sinh tay. Buổi tập huấn có ý nghĩa quan trọng và lan tỏa rộng rãi đến tất cả các khoa phòng trong Bệnh viện, đây cũng là hoạt động truyền thông cần được nhân rộng không riêng ở Bệnh viện Sản – Nhi mà cần phải được lan tỏa đến các cơ sở y tế khác trong toàn tỉnh.
Thân nhân người bệnh thực hiện vệ sinh tay thường quy 06 bước
Nguồn: Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn