SÀNG LỌC SƠ SINH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIỐNG NÒI

SÀNG LỌC SƠ SINH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIỐNG NÒI

          Khoa Hậu Phẫu trực thuộc bệnh viện sản nhi tỉnh Kiên Giang, được thành lập vào 01/01/2021, có chức năng thực hiện công tác điều trị, chăm sóc hậu phẫu mổ lấy thai, dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc về tổ chức thực hiện các hoạt động điều trị, chăm sóc người bệnh tại khoa.

Trong năm 2022 tổng số người bệnh điều trị nội trú là: 2.987 cas tăng 71,27% so với năm 2021 (1.744 cas), công suất sử dụng giường bệnh năm 2022 là 130% tăng 52% so với năm 2021 (77,95%) Khoa luôn đảm bảo công tác chăm sóc tốt cho các sản phụ và bé sơ sinh.

Tại khoa Hậu phẫu, song song với việc khám, chăm sóc, điều trị các dịch vụ thiết yếu, các bé sơ sinh còn được sàng lọc sơ sinh, giúp phát hiện sớm 03 bệnh lý rối loạn chuyển hoá ảnh hưởng tới tương lai phát triển của bé.

Sàng lọc sơ sinh còn gọi là tầm soát sơ sinh: là việc sử dụng các kỹ thuật để phát hiện trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh, các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết - chuyển hóa - di truyền nhưng chưa có biểu hiện trên lâm sàng ở giai đoạn sơ sinh”. Ba bệnh được tầm soát tại bệnh viện gồm: thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Như vậy, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời với một dị tật bẩm sinh.

Thống kê năm 2017 dân số của Việt Nam khoảng hơn 93 triệu người, với số trẻ sinh ra khoảng 1,4 triệu trẻ. Với tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ 1/33 trẻ mới sinh ra thì mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 41.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, tương đương cứ 13 phút có một trẻ mắc dị tật bẩm sinh được sinh ra. Đáng lưu ý, số trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1.700 trẻ (chiếm tỷ lệ 11%), số trẻ mắc dị tật bẩm sinh còn sống sau giai đoạn sơ sinh là khoảng 40.000 trẻ, trong đó 300-400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, 200 - 600 trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, đặc biệt có khoảng 15.000-30.000 trẻ bị thiếu men G6PD, có khoảng 2.200 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh… [3]

Trẻ bị thiếu men G6PD sẽ bị tán huyết gây thiếu máu phải truyền máu hay lọc máu, nặng hơn trẻ có thể bị bại não chậm phát triển trí tuệ, vận động, thần kinh.

Trẻ bị thiếu men G6PD

Trẻ bị suy giáp bẩm sinh dễ bị lầm tưởng là một đứa bé bị chất độc màu da cam. Hình dáng khuôn mặt đặc biệt, thoát vị rốn, thân hình lùn thiếu cân đối, chậm tăng trưởng về cân nặng và đần độn Suy giáp bẩm sinh là một bệnh lý gây chậm phát triển tâm thần thường gặp nhất có khả năng phòng ngừa được. Bệnh lý này kéo dài suốt cả cuộc đời đối với hầu hết các trường hợp suy giáp bẩm sinh do tuyến giáp phát triển bất thường (bất sản) hoặc bất thường trong quá trình sản xuất nội tiết tố.

Trẻ bị suy giáp bẩm sinh

Trẻ bị tăng sản thượng thận bẩm sinh: Trẻ mắc bệnh sẽ dậy thì sớm cả nam và nữ, chậm tăng cân, trẻ gái sẽ có bộ phận sinh dục dần phát triển nam tính, rậm lông do tuyến thượng thận sản sinh ra androgen.

Trẻ bị tăng sản thượng thận bẩm sinh

Để phát hiện các dị tật bẩm sinh đó mọi việc trở nên đơn giản nhanh chóng chỉ với vài giọt máu gót chân từ 48 - 72 giờ sau sanh.

Xét nghiệm máu, sàng lọc này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay sự phát triển của trẻ nhưng có thể giúp phát hiện sớm bệnh lý bẩm sinh, điều trị kịp thời những bệnh lý về nội tiết, rối loạn chuyển hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ nhỏ, tránh để bệnh tiến triển, khó điều trị cũng như giảm chi phí cho những đợt trị liệu sau này hay trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hiện nay việc xã hội hóa dịch vụ sàng lọc sơ sinh bước đầu còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tư vấn vận động. Tuy nhiên với sự nhiệt tình, có gắng, tận tâm trong công tác tư vấn, vận động của tập thể bác sĩ, Nữ hộ sinh trong khoa…nên tỉ lệ trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát 03 bệnh nêu trên tại khoa Hậu phẫu đạt khá cao (trên 80%), đã phát hiện được nhiều trường hợp trẻ bị nguy cơ cao đối với 03 bệnh, từ đó giúp chẩn đoán phát hiện được những cas bệnh để điều trị kịp thời đối với các bé bị bệnh, giúp trẻ hoà nhập phát triển bình thường, đồng thời nâng cao chất lượng dân số trong tương lai. 

Ảnh & Bài viết nguồn sưu tầm khoa Hậu Phẫu


Tin liên quan