TẦM QUAN TRỌNG CỦA VỆ SINH TAY

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VỆ SINH TAY

          Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế đang là vấn đề y tế toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện và tăng chi phí điều trị. NKBV thường do các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc gây bệnh như: Tụ cầu vàng kháng methicilin, cầu khuẩn đường ruột kháng vancomycin, trực khuẩn gram âm sinh men β-lactamase.
          Kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh (KBCB), là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh (NB) tại các cơ sở KBCB. Trong các biện pháp KSNK, vệ sinh tay (VST) từ lâu luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất, không chỉ trong chăm sóc NB mà ngay cả ở cộng đồng khi đang phải đối mặt với nhiều bệnh dịch nguy hiểm xảy ra trên diện rộng như dịch tả, cúm A (H5N1, H1N1), v.v.
khoa…
           Vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế là một trong những giải pháp hàng đầu được Tố chức Y tế Thế giới khuyến cáo nhằm tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và phòng ngừa các bệnh lây truyền cho người bệnh và nhân viên y tế.
Trong quá trình chăm sóc và điều trị, đôi bàn tay của nhân viên y tế rất dễ bị ô nhiễm với các tác nhân gây bệnh. Mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào loại thao tác và thời gian thực hiện thao tác trên người bệnh. Ví dụ: sau các thao tác như xoay trở người bệnh, bắt mạch, đo huyết áp, lấy nhiệt độ cơ thể, động chạm vào vai, háng người bệnh, trên đôi tay sẽ có 100 đến 1000 khuẩn lạc Klebsiella SPP. Sau các hoạt động như tiêm, truyền tĩnh mạch, chăm sóc đường thở, sau khi tiếp xúc với các chất bài tiết của người bệnh, trên dôi tay sẽ có 300 đơn vị khuẩn lạc (UFs).

Thời điểm vệ sinh tay thường quy:
+ Trước khi tiếp xúc trực tiếp với mỗi NB.
+ Trước khi thực hiện mỗi thủ thuật sạch/vô khuẩn.
+ Ngay sau mỗi khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể.
+ Sau khi tiếp xúc trực tiếp với mỗi NB.
+ Sau tiếp xúc với bề mặt đồ dùng, vật dụng trong buồng bệnh.
- Ngoài ra, các thời điểm chăm sóc sau cũng cần VST:
+ Khi chuyển từ chăm sóc bẩn sang chăm sóc sạch trên cùng người bệnh.
+ Trước khi mang găng và sau khi tháo găng.
+ Trước khi vào buồng bệnh và sau khi ra khỏi buồng bệnh.
+ Mọi NVYT trong buồng phẫu thuật không trực tiếp động chạm vào NB (phụ mê, chạy ngoài, học viên…) phải VST trước khi vào buồng phẫu thuật. Trong buồng phẫu thuật, bất kỳ khi nào bàn tay chạm vào bề mặt thiết bị phương tiện phải VST ngay bằng dung dịch VST chứa cồn.
+ NVYT khi làm việc trong buồng xét nghiệm cần tuân thủ nghiêm thời điểm 3 và 5 về VST để phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
Mục đích rửa tay thường quy:
– Làm sạch và loại bỏ vi khuẩn vãng lai trên bàn tay.
– Đám bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
– Góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện.
Kỹ thuật vệ sinh tay thường quy:
Dù VST bằng xà phòng và nước hoặc chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn cần thực hiện theo kỹ thuật 6 bước:
+ Bước 1: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
+ Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
+ Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.
+ Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
+ Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
+ Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.

 

 Khoa KSNK tập huấn phát động vệ sinh tay tại khoa Hậu phẫu

 BV sản nhi tỉnh Kiên Giang

Ảnh & Bài viết khoa hậu phẫu

 


Tin liên quan