QUÁ TRÌNH TIẾP NHẬN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHI RED MAY

QUÁ TRÌNH TIẾP NHẬN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHI RED MAY

 

Vừa qua bệnh viện Sản Nhi đã tiếp nhận 1 trường hợp cấp cứu nguy kịch. Tuy nhiên với sự chuyên nghiệp cùng với cách tiếp cận, xử trí linh hoạt và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa Ngoại Tổng hợp Nhi, Hồi sức cấp cứu Nhi và khoa Phẫu thuật- Gây mê hồi sức, bé đã được điều trị kịp thời và đã xuất viện an toàn. Dưới đây là báo cáo chi tiết về quá trình tiếp nhận và điều trị của bệnh nhi RED MAY

Quá trình tiếp nhận, xử trí cấp cứu

Vào chiều ngày 28/06/2024, vào lúc 15 giờ 20 phút, phòng khám Ngoại Nhi tiếp nhận bệnh nhi RED MAY, nữ - 16 tháng tuổi, người Campuchia với bệnh sử qua lời người mẹ: Cách nhập viện 3 ngày, khối phồng vùng bẹn (P) bé không xẹp, kèm theo bé nôn ói và tiêu lỏng nhiều lần, được nhập viện điều trị tại Campuchia. Tại đây bé được truyền dịch, bé giảm nôn nhưng bụng trướng nhiều. Bé lừ đừ hơn, ăn uống kém, quấy khóc nên chuyển TTYT Hà Tiên. Trong suốt quá trình bệnh khối phồng không xẹp sau đó được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang. Tiền sử: Đã phát hiện thoát vị bẹn phải tại Campuchia.

Tình trạng lúc nhập viện khi đã chuyển bé qua Hồi sức cấp cứu Nhi: Bé đừ, nằm yên khi khám, da niêm hồng, sinh hiệu lúc nhập viện: Mạch 130 lần/phút, huyết áp 90/60 mmHg, nhịp thở đều 25 lần/phút, CRT 2 giây, môi khô, lưỡi dơ, mắt không trũng, nếp véo da mất nhanh, nôn 02 lần, dịch lượng nhiều. Bụng mềm, trướng vừa. Khối phồng bẹn (P) d#4x2cm, da bề mặt đỏ. ấn không xẹp. Chẩn đoán: Tắc ruột do thoát vị bẹn phải nghẹt

Nhận thấy tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã khẩn trương thiết lập đường truyền tĩnh mạch bù dịch, điện giải, kháng sinh đường tĩnh mạch (Ceftriaxon).

Kết quả xét nghiệm có giá trị lâm sàng: WBC 7.3 k/uL, Neutrophil 60.4%. Siêu âm: Thoát vị bẹn phải, tạng thoát vị giống quai ruột bên trong có dị vật. Xquang bụng: TD tắc ruột. Sau khi hội chẩn, bé được chuyển ngay đến phòng mổ.

Quá trình phẫu thuật

Tại phòng mổ, bé được phẫu thuật rạch da nếp bụng mu thấp phải 4cm vào lúc 18 giờ cùng ngày. Trong lúc phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận thành phần thoát vị là hồi tràng, hoại tử dài một đoạn 4cm, thủng một lỗ ở bờ tự do d#1cm, có hạt bí rơi vào ổ bụng. Tiến hành cắt đoạn hồi tràng hoại tử dài 10cm, nối tận tận 2 lớp.  Lấy hạt bí ra ngoài. Khâu hẹp lỗ bẹn sâu. Sinh thiết và lau rửa, đóng bụng. Cuộc mổ kéo dài 2 giờ.

Theo dõi hậu phẫu

Phẫu thuật kết thúc vào lúc 19 giờ 40 phút cùng ngày, ngay sau mổ bé được chuyển khoa Hồi sức Ngoại theo dõi. Tại đây bé được siêu âm kiểm tra lại sau mổ, kết quả các quai ruột non dãn đường kinh d= 35-42mm đoạn hỗng tràng có thành dày đồng tâm d=3-4mm ít dịch dưới gan d= 10mm, dịch xen kẽ giữa các quai ruột d= 10mm.. Bé được theo dõi sát sao tổng trạng, sinh hiệu, tình trạng bụng, hoạt động của đường tiêu hoá, duy trì dịch nuôi ăn. Hậu phẫu ngày 2 – ngày 5 bé không đi tiêu, bụng chướng tăng dần, đừ, vết mổ khô. Hậu phẫu ngày 5, em đừ nhiều, sonde dạ dày ra dịch xanh lượng nhiều ( thay bọc sonde dạ dày 4 lần, mỗi lần khoảng 80 – 100ml dịch), có khi ọc dịch nâu. Bé được siêu âm tìm dịch ổ bụng để chọc hút nhằm phát hiện rò miệng nối, mổ lại kịp thời. Nhưng siêu âm không thấy dịch ổ bụng, bé được điều trị nội khoa, bù nước điện giải, nuôi ăn toàn phần. Vào ngày hậu phẫu thứ 6, em đi tiêu được 4 lần, phân vàng sệt. Sau đó bé được chuyển đến khoa Ngoại Tổng hợp Nhi vào lúc 7 giờ ngày 05/07/2024 ( hậu phẫu ngày 7).

Sau khi phẫu thuật, bé được điều trị kháng sinh (đã hội chẩn khoa để đổi sang dùng kháng sinh Meropenem 500mg, Amikacin 500mg). Tổng trạng bé hồi phục tốt, sinh hiệu ổn, bụng mềm ấn không đau, còn đi phân lỏng vài lần nhưng đã ổn định. Hàng ngày em được chăm sóc thay băng vết mổ, hướng dẫn người nhà chăm sóc để có thể tự thực hiện sau khi xuất viện.

Xuất viện

Sau 11 ngày điều trị, bé hồi phục hoàn toàn, bé tỉnh táo, sinh hiệu ổn, ăn uống tốt, bụng mềm, ấn không còn đau, vết mổ khô, ra phân vàng sệt. Bé được cho xuất viện.

Trên đây là báo cáo về quá trình tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và theo dõi về bệnh nhi RED MAY. Nhờ vào sự chuyên nghiệp, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình xử trí ban đầu và điều trị, theo dõi bé đã được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.

Ảnh & Bài Viết - Khoa Ngoại Nhi


Tin liên quan